35 năm sản xuất kềm làm móng của doanh nghiệp Việt

Ngày đăng: 11:54 AM 29/12/2017 - Lượt xem: 6935

Nhiều lần thất bại, phá sản, ông Trần Vĩnh Bảo vẫn kiên định với nghề sản xuất kềm làm móng, kỳ vọng làm ra 9 triệu sản phẩm mỗi tháng. 

 

Hơn 30 năm qua, với mơ ước đưa chiếc kềm làm móng Việt Nam ra thế giới, ông Trần Vĩnh Bảo - người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Teknails trải qua nhiều thăng trầm. Ở tuổi lục tuần, ông vẫn muốn khởi nghiệp lại với nghề này, dù biết khó khăn và nhiều sóng gió phía trước.

Sinh ra trong gia đình có 9 anh em, lại là con trưởng, tại Thành phố Cần Thơ, anh Trần Vĩnh Bảo tự tạo hướng đi cho gia đình - sơn sửa xe đạp và xe máy. Vì không hứng thú với nghề này, chàng trai trẻ lên Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1980 với mong muốn tìm công việc có ý nghĩa hơn và kiếm thật nhiều tiền.

 

Cơ duyên đến với nghề sản xuất kềm làm móng khá tình cờ khi anh làm lao công cho một lò kềm tại Phú Nhuận - nghề gia truyền của dòng họ Võ. Sau nhiều tháng được ông chủ hướng dẫn phục hồi cây kềm bằng cách cắt miếng thép tháp lại 2 mũi kềm đã mòn, chàng trai trẻ say mê mày mò cách làm công cụ này. Sau 6 năm học nghề từ Sài Gòn xuống tận Bến Tre cùng số tiền dành dụm, anh mở một xưởng nhỏ sản xuất kềm và dạy nghề cho các anh em trong nhà.

 

Ông Trần Vĩnh Bảo luôn tự tay kiểm tra sản phẩm trong các công đoạn quan trọng.

 

Quy trình sản xuất từ một cây sắt thô để thành chiếc kềm hoàn thiện trải qua nhiều công đoạn với 78 chi tiết quan trọng như: dập đầu, dập cán, chặt rìa, mài bụng, mài lưng, ngấn rãnh, mài mang, khoan lớn, khoan nhỏ... Riêng phần con ốc để kết nối hai thân kềm được xem là linh hồn của sản phẩm. Tất cả đều làm bằng thủ công. Các em của ông mỗi người đảm nhiệm một khâu - từ chế tạo máy, chế tạo khuôn, mài bén, đánh bóng và ráp các chi tiết lại với nhau...

"Những thành phẩm đầu tiên ra đời được đem phân phối cho thị trường, mang theo hy vọng và ước mơ của cả tập thể", ông nói.

Năm 2000, ông quyết định thành lập công ty ViBa (viết tắt từ tên "Vĩnh Bảo"), do không đủ tài chính để thuê người thiết kế logo, anh em của ông tự sáng tạo. Sau đó, ông hợp tác cùng một người bạn để tuyển nhân công, mở rộng dây chuyền sản xuất.

 

Giai đoạn 2001-2006 là thời điểm thịnh vượng nhất của ViBa - với hàng trăm nhân công và sản xuất 5.000 chiếc kềm mỗi ngày. Các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Singapore, Philippines và Colombia... cũng gọi điện đặt hàng. Cung không đủ cầu, công nhân phải tăng ca bất kể đêm ngày.

 

Ông chia sẻ: "Trước đó, tôi ao ước có thể sản xuất được 50 cây mỗi ngày, tôi nói với các em mình khi nào mỗi ngày làm ra được 500 cây thì chúng ta sẽ giàu. Thế nhưng khi làm 500 cây, 1.000 rồi đến 5.000 cây cũng không thấy giàu. Các em tôi đều nản, muốn từ bỏ nhưng vì thương anh, chúng lại tiếp tục".

Do thiếu kinh nghiệm về pháp lý, về phương pháp quản lý nhân sự, tài chính chưa đúng cách, ông liên tiếp 5 lần gặp thất bại. Mỗi lần vấp ngã, ông quyết đứng dậy để làm lại từ đầu với nghề này, tuy nhiên, sai lầm lớn trong quản lý khiến ông đánh mất thương hiệu ViBa, các mối quan hệ có được sau mấy chục năm đều tan biến.

 

Trải qua nhiều biến cố, ông nhận ra khâu yếu kém nhất là quy trình vận hành bộ máy nhân sự, marketing bán hàng và chăm sóc khách hàng. Ông tâm sự: "Khi ấy tôi chỉ chăm chăm hoàn thiện sản phẩm và kỹ thuật mà không biết gì về Internet, bán hàng online hay quảng bá sản phẩm, khiến thương hiệu bị bó hẹp, không phát triển được".

 

Ông Bảo giám sát từng quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.

 

Ông vừa thành lập công ty Teknails và định hướng cho doanh nghiệp mình công nghệ hóa quy trình sản xuất cũng như kỹ thuật bán tự động thay thế thủ công, tạo nên sản phẩm đồng đều và giảm thiểu khấu hao lớn và chỉ còn phụ thuộc một ít tay nghề thợ lâu năm. Ông mong muốn kết nối cộng đồng nails trên toàn thế giới để trao đổi kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa và học tập lẫn nhau.

Theo ông Trần Vĩnh Bảo, marketing truyền thống không còn phù hợp trong thời kỳ cách mạng 4.0. Mới đây, Công ty cổ phần điện tử kinh tế Việt Nam - Vinagroups quyết định đầu tư 2,5 tỷ đồng để phát triển Teknails.

 

Theo đó, Teknails nhận được tiền mặt để đầu tư thêm trang thiết bị sản xuất và hệ thống "điện tử hóa" từ Website, App, Erp, Crm... để quản trị doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng, mở rộng kênh bán hàng tiếp thị liên kết, xây dựng cộng đồng nail bền vững. Điểm nổi bật là hệ thống này trang bị cho tất cả thành viên tham gia từ thợ nail, chủ tiệm nail một website thông minh, cùng nhau liên kết chia sẻ giá trị.

 

"Việc hợp tác với Vinagroups có thể giúp sản phẩm kềm của chúng tôi đến gần người tiêu dùng, chăm sóc khách hàng thông qua dịch vụ tiện ích số hóa, hỗ trợ cho thợ và các chủ tiệm tăng thu nhập, đồng nghĩa doanh số bán hàng của Teknails cũng tăng. Có sự đầu tư này về nguồn nhân lực, về công nghệ, về hệ thống quản lý, chúng tôi có thể biến ước mơ thành sự thật", ông Vĩnh Bảo nói thêm.

 

Trích # kinhdoanh.vnexpress